Sáng kiến kinh nghiệm: “Sử dụng kĩ thuật tư duy 5W1H ” trong dạy học Lịch sử Lớp 6 - Hà Văn Minh

Sáng kiến kinh nghiệm: “Sử dụng kĩ thuật tư duy 5W1H ” trong dạy học Lịch sử Lớp 6 - Hà Văn Minh

IV. KẾT LUẬN

Sử dụng thành thạo và hiệu quả Sơ đồ tư duy nói chung và Sơ đồ 5W1H nói riêng trong dạy học Lịch sử sẽ mang lại nhiều kết quả tốt và đáng khích lệ trong phương thức học tập của học sinh và phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Học sinh sẽ có học được phương pháp học tập đúng đắn, hiệu quả và tăng tính chủ động, sáng tạo, phát triển tư duy. Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng, và quan trọng nhất sẽ giúp học sinh nắm được kiến thức thông qua một “sơ đồ” thể hiện các liên kết chặt chẽ của tri thức.

Sử dụng Sơ đồ 5W1H trong dạy học lịch sử bước đầu tạo một không khí sôi nổi, hào hứng của cả thầy và trò trong các hoạt động dạy học của nhà trường, là một trong những nội dung quan trọng của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mạnh triển khai.

Việc vận dụng Sơ đồ 5W1H trong dạy học lịch sử ở trường THPT sẽ dần dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học. Sơ đồ 5W1H kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác như vấn đáp gợi mở, thuyết trình, xem phim minh họa có tính khả thi cao góp phần đổi mới phương pháp dạy học

 Sơ đồ 5W1H – là Kĩ thuật dạy học hiện đại có tính khả thi và hiệu quả cao, nhất là đối với môn Lịch sử trong các nhà trường hiện nay, đặc biệt đối với những trường còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất thiết bị như trường THCS Đặng Tấn Tài

 

doc 9 trang haiyen789 70885
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm: “Sử dụng kĩ thuật tư duy 5W1H ” trong dạy học Lịch sử Lớp 6 - Hà Văn Minh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UỶ BAN NHÂN DÂN QUẬN 9	 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
	TRƯỜNG THCS ĐẶNG TẤN TÀI	Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Đề tài:
“SỬ DỤNG KĨ THUẬT TƯ DUY 5W1H ”
TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ LỚP 6
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Cơ sở thực tế:
 Trong thực tế có nhiều học sinh cho rằng môn Lịch sử là môn phụ không quan trọng như các môn Toán, Lý, Hoá. Cho nên thường lơ là trong việc học tập và kết quả là chất lượng học tập của các em ở môn này không cao. Cũng trong thực trạng hiện nay, phụ huynh thường hướng con em của mình học những môn khoa học tự nhiên để sau này ra trường dễ tìm việc làm, vì vậy mà môn Lịch sử không được xem trọng. Môn Lịch sử vốn là môn có tác dụng rất lớn trong việc hình thành cho các em lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, để từ đó biết phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông . Hay nói cách khác, môn Lịch sử cũng là một môn học góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện nhân cách học sinh. Điều này rất phù hợp với mục tiêu đào tạo của nền giáo dục nước ta, đó là đào tạo ra những con người phát triển toàn diện cả đức lẫn tài.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, môn Lịch sử là môn học gây xôn xao dư luận xã hội nhiều nhất, bởi đơn giản điểm thi môn Lịch sử trong các kì thi Tốt nghiệp THPT (nếu được chọn thi) hay thi Đại học và Cao đẳng thường rất thấp, thậm chí có hàng ngàn “sĩ tử” thi Đại học, Cao đẳng có điểm thi môn Lịch sử là con số “không”. Không những thế, khi được hỏi đa số học sinh đều “sợ” môn Lịch sử. Chính vì tâm lí “sợ” môn Lịch sử làm cho các em cảm thấy chán nản, không muốn học, hoặc nếu học chỉ là học đối phó “học vẹt” kiến thức không thể khắc sâu hoặc “học xong lại trả cho thầy”.. Kết quả là điểm thi qua các kì thi của môn Lịch sử thường rất thấp.
Vậy làm thế nào để các em không còn “sợ” môn Lịch sử, thích môn Lịch sử hơn, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử? Đó là vấn đề không chỉ là của người thầy, người trò mà thiết nghĩ còn là vấn đề của toàn ngành ngành giáo dục và của toàn xã hội.
Đó chính là lí do, trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã kêu gọi đổi mới và đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường. Tầm quan trong của việc đổi mới phương pháp được ngành giáo dục chính thức đưa vào nội dung nhiệm vụ năm học của các nhà trường phổ thông. Chủ trương đó được sự hưởng ứng rộng khắp trong đội ngũ nhà giáo với các hình thức phong phú và đa dạng.
	Chủ trương của Bộ GD-ĐT đã được Sở GD-ĐT quán triệt từng năm học, đến từng đơn vị giáo dục và đặc biệt tổ chức triển khai tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán về các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như: Sơ đồ tư duy, khăn phủ bàn, theo góc, theo dự án...
Sau thời gian nghiên cứu và ứng dụng vào dạy học thực tiễn trong nhà trường THCS, tôi thấy một số kĩ thuật và phương pháp dạy học tích cực có thể phát huy được tính tích cực, hứng thú và tự học của học sinh. Một trong số đó là sử dụng Sơ đồ tư duy. Trong Sơ đồ tư duy lại có “Kĩ thuật đặt câu hỏi 5W1H” - thường gọi là “Kĩ thuật tư duy 5W1H ” (Dạy và học tích cực, một số phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực của nhà xuất bản Đại học sư phạm)
Theo đó “ Kĩ thuật đặt câu hỏi 5W1H ” là kĩ thuật đặt câu hỏi bằng 6 dạng câu hỏi viết tắt bằng tiếng Anh (Câu hỏi là gì – What? Hỏi khi nào – When? Hỏi ai – Who? Hỏi ở đâu – Where? Hỏi tại sao – Why? Và hỏi như thế nào – How?). Có thể nói, Kĩ thuật tư duy 5W1H là dạng Sơ đồ tư duy đặc biệt và có khả năng ứng dụng cao đối với nhiều môn học trong đó có bộ môn Lịch sử. 
Kĩ thuật tư duy 5W1H (gọi tắt là Sơ đồ 5W1H) thoạt nhìn rất đơn giản nhưng lại tỏ ra rất hiệu quả nếu chúng ta sử dụng một cách đúng đắn, khéo léo và thông minh. Trong quá trình dạy học, giáo viên giúp học sinh trả lời được 6 câu hỏi theo sơ đồ trên đây, xem như đã gần như hoàn thành được yêu cầu kiến thức. Đó cũng chính là lí do tôi chọn: “Sử dụng Kĩ thuật tư duy 5W1H ”trong dạy học Lịch sử Lớp 6 làm đề tài sáng kiến, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của mình trong năm học 2019-2020, để trao đổi với đồng nghiệp, đồng thời qua đó giúp đề tài được sử dụng hiệu quả hơn và phổ biến rộng hơn.
2. Cơ sở lí luận
Lịch sử là những gì đã trải qua trong quá khứ. Do vậy, bộ môn cung cấp một lượng kiến thức rất lớn trong một khoảng thời gian hạn hẹp. Vì thế, mô hình hoá kiến thức lịch sử sẽ giúp các em dễ học dễ nhớ, dễ khắc sâu kiến thức hơn .
 Giờ học ôn tập là một giờ học khó bởi lượng kiến thức nhiều làm sao để ôn lại một cách có hệ thống, ngắn gọn và dễ hiểu là một điều không đơn giản. những bài ôn tập thường không có kiến thức mới nên không thu hút được sự yêu thích khám phá của học sinh, kể cả giáo viên cũng rất ngại với những giờ học ôn tập vì thường giáo viên phải làm việc rất nhiều và nếu thiết kế không khéo những bài ôn tập thường rất buồn và nặng điều này dễ gây nên sự ‘‘học cho qua’’ như vậy chất lượng của giờ học là không cao.
Sơ đồ tư duy nói chung và sơ đồ 5W1H nói riêng là một công cụ ghi nhớ tối ưu, học bằng sơ đồ tư duy sẽ tiết kiệm thời gian rất nhiều bởi sơ đồ tư duy chỉ bao gồm những từ khóa, các ý được trình bày có hệ thống nên việc ôn tập chỉ là chuyện nhỏ, học kiểu truyền thống thì việc ôn tập mất khá nhiều thời gian, bao nhiêu lần ôn tập là bấy nhiêu lần học bài và dễ rơi vào tình trạng “học trước quên sau” .
 Sơ đồ tư duy 5W1H là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Sơ đồ tư duy một công cụ tổ chức tư duy nền tảng, có thể miêu tả nó là một kĩ thuật hình họa với sự kết hợp giữa từ ngữ, hình ảnh, đường nét, màu sắc phù hợp với cấu trúc, hoạt động và chức năng của bộ não, giúp con người khai thác tiềm năng vô tận của bộ não. Cơ chế hoạt động của Sơ đồ tư duy chú trọng tới hình ảnh, màu sắc, với các mạng lưới liên tưởng (các nhánh). Sơ đồ tư duy là công cụ đồ họa nối các hình ảnh có liên hệ với nhau vì vậy có thể vận dụng Sơ đồ tư duy vào hỗ trợ dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau mỗi tiết học, ôn tập hệ thống hóa kiến thức sau mỗi chương,... 
 Vì thế, vận dụng Sơ đồ tư duy trong dạy học lịch sử sẽ giúp học sinh có phương pháp học hợp lý.
	Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (1-1993), Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (12-1996), được thể chế hóa trong Luật giáo dục (2005), được cụ thể hóa trong các chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là chỉ thị số 14 (4-1999).
	Điều 28.2 của Luật giáo dục đã ghi: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc nhóm, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”.
	Như vậy, đổi mới PPDH là việc dạy học phải “lấy học sinh làm trung tâm” nhằm mục tiêu: giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản, phát triển các năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
	Theo Tony Buzan, người đầu tiên tìm hiểu và sáng tạo ra bản đồ tư duy thì: “Bản đồ tư duy là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc và hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Ở giữa bản đồ là một ý tưởng hay một hình ảnh trung tâm. Ý tưởng hay hình ảnh trung tâm này sẽ được phát triển bằng các nhánh tượng trưng cho các ý chính và đều được nối với các ý trung tâm. Với phương thức tiến dần từ trung tâm ra xung quanh, bản đồ tư duy khiến tư duy con người cũng phải hoạt động tương tự. Từ đó các ý tưởng của con người sẽ phát triển”.
Sơ đồ tư duy nói chung và Sơ đồ 5W1H nói riêng là một hình thức ghi chép theo mạch tư duy của mỗi người nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức,... bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. 
Như vậy, việc sử dụng Sơ đồ 5W1H là một trong những biện pháp cụ thể để đổi mới phương pháp dạy học “lấy học sinh làm trung tâm”.
II. NHỮNG BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Mục đích nghiên cứu
	Đề tài nghiên cứu nhằm tìm đến những nội dung bài học phù hợp với sơ đồ và có thể mang lại hiểu quả cao nhất trong quá trình dạy học. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học. Nhất là trong bối cảnh, nhà trường đang còn thiếu thốn rất nhiều phương tiện, thiết bị dạy học. 
2. Nhiệm vụ nghiên cứu
	 Để đạt được hiệu quả, giáo viên phải thực hiện được các nhiệm vụ như sau:
- Nhiệm vụ 1: Khảo sát về nhận thức và khả năng sử dụng Sơ đồ 5W1H của học sinh.
- Nhiệm vụ 2: Từng bước giới thiệu và hướng dẫn học sinh làm quen với Sơ đồ 5W1H và áp dụng đề tài trong một số dạng nội dung bài học cụ thể.
- Nhiệm vụ 3: Đưa ra tính hiệu quả và ưu việt của đề tài khi áp dụng trong quá trình lên lớp.
3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
 Trong năm học 2018-2019, chia làm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Từ tuần 1 đến tuần 4 năm học 2018-2019, khảo sát đối tượng.
+ Giai đoạn 2: Từ tuần 5 đến tuần 33 năm học 2018-2019, tiến hành các giải pháp, kiểm tra, lấy số liệu thống kê, hoàn thành đề tài.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Tiến hành nghiên cứu ở học sinh K6 Chương trình cơ bản
- Các bài học có nội dung về: Các quốc gia cổ đại, Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc , Diễn biến của chiến tranh, Tình hình kinh tế , văn hóa....
5. Các giải pháp cụ thể
5.1/ Nghiên cứu thực trạng
- Trong quá trình dạy những tuần đầu tiên, tôi tiến hành thăm dò khảo sát hiểu biết của học sinh về Sơ đồ 5W1H, kết quả là 100% học sinh cho hay chưa từng tiếp xúc với dạng sơ đồ này ở cấp Tiểu học.
- Sau khi dạy xong bài số 3 – Xã hội nguyên thủy (tiết PPCT-3), tôi dành thời gian khoảng 5 phút giới thiệu về Kỹ thuật tư duy 5W1H và ra một bài tập cho học sinh về nhà tìm hiểu trước về một nội dung trong bài số 4 – Các quốc gia cổ đại phương Đông như sau: Hãy viết bài giới thiệu ngắn gọn về Cổng I-sơ-ta thành Ba-bi-lon hoặc Kim tự tháp bất kì ở Ai Cập thời cổ đại bằng Sơ đồ 5W1H với 6 gợi ý: Xây dựng khi nào? Xây dựng ở đâu? Ai là người cho xây dựng? Xây dựng để làm gì? Được xây dựng như thế nào? Tại sao có thể xây dựng được công trình đó?.
 Sau khi học xong bài số 4, tôi yêu cầu học sinh trình bày sản phẩm của mình thì hầu hết các em chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Vậy trước tình hình đó, để các em học sinh được làm quen với kĩ thuật dạy học mới ngay từ đầu cấp học và góp phần tăng hứng thú học tập bộ môn Lịch sử ở trường THCS nói chung và trường THCS Đặng Tấn Tài nói riêng ,tôi đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp như dưới đây :
5.2/ Áp dụng các giải pháp
5.2.1. Các biện pháp chung
	- Giáo viên có thể áp dụng đề tài này trong các bước khác nhau và ở những dạng nội dung bài học khác nhau: có thể sử dụng để kiểm tra bài cũ, dạy bài mới và củng cố kiến thức và giao bài tập về nhà; giáo viên cũng có thể sử dụng đề tài ở những dạng nội dung bài học khác nhau, như: Sự thành lập các quốc gia, Tổ chức bộ máy nhà nước, Diễn biến của chiến tranh, .
	- Giáo viến có thể sử dụng Sơ đồ 5W1H theo nhiều cách khác nhau:
+ Yêu cầu học sinh về nhà học bài cũ bằng cách vẽ Sơ đồ 5W1H, theo các gợi ý sau đó kiểm tra bài cũ bằng sơ đồ.
+ Sử dụng Sơ đồ 5W1H để khai thác trực tiếp nội dung bài học ở trên lớp.
+ Dùng Sơ đồ 5W1H để minh họa cho nội dung.
+ Sử dụng Sơ đồ 5W1H với mục đích củng cố kiến thức.
- Có thể tóm tắt một số bước dạy học trên lớp với Sơ đồ 5W1H:
Bước 1: Học sinh lập Sơ đồ 5W1H theo gợi ý của giáo viên.
Bước 2: Học sinh hoặc đại diện của các nhóm học sinh lên báo cáo, thuyết minh về Sơ đồ 5W1H mà nhóm mình đã thiết lập. 
Bước 3: Học sinh thảo luận, bổ sung để hoàn thành Sơ đồ 5W1H về kiến thức của bài học đó. Giáo viên sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp học sinh hoàn chỉnh sơ đồ tư, từ đó dẫn dắt đến kiến thức của bài học.
Bước 4: Củng cố kiến thức bằng một Sơ đồ 5W1H mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn hoặc một Sơ đồ 5W1H mà cả lớp đã tham gia chỉnh sửa hoàn chỉnh, cho học sinh lên trình bày, thuyết minh về kiến thức đó. 
- Cho học sinh làm quen với Sơ đồ 5W1H, đây là bước rất quan trọng với học sinh khối 6 , trường THCS Đặng Tấn Tài, bởi lẽ hầu như các em chưa được tiếp xúc với Sơ đồ này. Trong quá trình dạy học các bài học đầu tiên, giáo viên nêu 6 sẽ là người vẽ Sơ đồ 5W1H với 6 dạng câu hỏi tương ứng 6 từ viết tắt tiếng Anh. 
Ví dụ: Khi tìm hiểu về Bài 5_ Các quốc gia cổ đại phương Tây, giáo viên yêu cầu HS về nhà tìm hiểu trước về Đền Pác-tê-nông và Đấu trường ở Rô-ma theo các câu hỏi sau: Công trình đó được xây dựng khi nào (When)? Ở đâu (Where)? Do ai (Who)? Được xây dựng như thế nào (How)? Đặc điểm nổi bật là gì (What)? Vì sao lại xây dựng (Why)? Qua việc tìm hiểu và trả lời về các câu hỏi trên có nghĩa là học sinh đã tìm hiểu được những nét cơ bản nhất về các công trình này. Mặt khác, qua đó khi học bài mới, giáo viên yêu cầu học sinh trả lời 6 câu hỏi cho trước và giáo viên kết hợp vẽ Sơ đồ 5W1H lên bảng để các em làm quen với kĩ thuật dạy học này.
- Sau những bài đầu tiên chỉ yêu cầu học sinh trả lời 6 dạng câu hỏi kết hợp với việc vẽ Sơ đồ 5W1H tương ứng, ở những bài tiếp theo có nội dung có thể sử dụng sơ đồ, giáo viên sẽ cho học sinh hoạt động vẽ sơ đồ. 
5.2.2. Các nội dung bài cụ thể
a/ Nước Văn lang 
Khi dạy bài 12-Nước Văn Lang, giáo viên cũng có thể sử dụng Sơ đồ 5W1H để khai thác nội dung của bài. Tùy theo mục đích khai thác của giáo viên mà có thể sử dụng ở những thời điểm khác nhau. 
Cách 1: Yêu cầu học sinh hoạt động và vẽ Sơ đồ 5W1H trả lời cho các câu hỏi: Nước Văn Lang ra đời khi nào? Địa bàn sinh sống ở đâu? Cư dân chủ yếu gồm những ai?Tại sao nhà nước Văn Lang được thành lập?Tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang như thế nào?Việc thành lập nhà nước Văn Lang có ý nghĩa gì?
Cách 2: Sau khi dạy xong bài, giáo viên củng cố bài học bằng 1 sơ đồ đã chuẩn bị trước để trả lời 6 câu hỏi như trên.
Cách 3: Sau khi dạy xong bài, giáo viên ra bài tập về nhà yêu cầu vẽ Sơ đồ 5W1H theo 6 câu hỏi như trên và tiết sau, kiểm tra bài cũ bằng các sơ đồ của học sinh.
b/ Các cuộc chiến tranh
Đối với dạng nội dung bài dạy này, trong chương trình Lịch sử lớp 6 thì tương đối nhiều và nhìn chung tất cảc các nội dung như trên đều có thể thực hiện được bằng Sơ đồ 5W1H và tương đối hiệu quả. 
Khi dạy về dạng bài này giáo viên định hướng cho các em học sinh về 6 câu hỏi cần phải trả lời đó là: Tại sao chiến tranh bùng nổ? Cuộc chiến tranh bắt đầu từ đâu? Cuộc cáchiến tranh bùng nổ khi nào? Ai là người lãnh đạo? Cuộc chiến tranh diễn ra như thế nào? Cuộc chiến tranh có ý nghĩa gì? 
Có thể tùy vào thời lượng chương trình, nội dung chương trình và mục đích sử dụng của giáo viên, giáo viên có thể khai thác Sơ đồ 5W1H ở các khâu lên lớp khác nhau thời điểm (yêu cầu học sinh vẽ tại lớp hoặc bài tập về nhà hoặc giáo viên vẽ sẵn và chỉ giới thiệu cho học sinh). Cứ như vậy, khi nhắc tới nội dung về các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng tư sản, các em học sinh sẽ liên tưởng ngay tới 6 câu hỏi với 6 chữ cái tiếng Anh.
Ví dụ: Khi dạy bài21- Khởi nghĩa Lý Bí. Nước Vạn Xuân(542 – 602)
Do nội dung của bài ngắn, giáo viên có thể khai thác bằng Sơ đồ 5W1H như sau:
Bước 1: Yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm và lập Sơ đồ 5W1H để trả lời được các câu hỏi như sau: 
Tại sao cuộc khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ?
Cuộc cuộc khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ khi nào? 
Bắt đầu từ đâu? 
Ai là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ? 
Cuộc khởi nghĩa Lý Bí ra như thế nào?
Cuộc cuộc khởi nghĩa Lý Bí có ý nghĩa gì đối với nước ta?
Bước 2: Yêu cầu đại diện một số tổ lên trình bày kết quả làm việc của nhóm. 
Bước 3: Các tổ thảo luận và cho ý kiến bổ sung để sơ đồ được hoàn chỉnh.
Bước 4: Giáo viên củng cố kiến thức bằng sơ đồ đã chuẩn bị sẵn và kết hợp giới thiệu một số kiến thức cần thiết.
c/ Một số nội dung khác
	 Ngoài các nội dung đã trình bày ở trên, trong quá trình dạy môn Lịch sử lớp 6, giáo viên cũng có thể sử dụng Sơ đồ này để khai thác một số nội dung khác, như: tìm hiểu về về một nhân vật, sự kiện lịch sử hoặc một thành tựu nào đó Tuy nhiên với những nội dung này, chủ yếu là giáo viên chỉ yêu cầu học sinh về nhà tìm hiểu theo sơ đồ dưới dạng bài tập về nhà.
	Ví dụ: Trước khi dạy bài 24 _Nước Chăm Pa (từ thế kỉ II đến thế kỉ X) , giáo viên có thể ra bài tập về nhà cho học sinh tìm hiểu về Thánh địa Mỹ Sơn theo Sơ đồ 5W1H theo các câu hỏi: Tại sao Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng? Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng khi nào? Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng ở đâu? Ai là người chủ trương xây dựng Thánh địa Mỹ Sơn? Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng như thế nào? Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng có ý nghĩa gì?
III. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ
Kết quả đạt được 
Trong năm học vừa qua cùng với nhiều phương pháp giảng dạy khác tôi đã kết hợp sử dụng phương pháp dùng Sơ đồ 5W1H để hệ thống hóa kiến thức trong các bài học của môn lịch sử lớp 6 gồm các lớp mà tôi trực tiếp giảng dạy, so sánh với kết quả của năm học trước kết quả khả quan hơn rõ rệt cụ thể số lượng học sinh trên trung bình tăng từ 5% - 10% so với năm học trước 
Ngoài ra với việc áp dụng Sơ đồ tư duy 5W1H tôi cũng đã thực hiện triển khai chia sẻ bài học lên trên kênh Youtobe của cá nhân là : và đạt được kết quả rất khả quan thông qua những coment và hàng ngàn lượt xem của các em học sinh khi các bài học được đăng lên và hơn 2000 lượt đăng ký và theo dõi học tập trên kênh của các bạn học sinh trên mọi miền của đất nước.
Qua sử dụng Sơ đồ 5W1H trong dạy học lịch sử ở trường THCS nói chung và lịch sử thế giới lớp 6 nói riêng, tôi nhận thấy tiết học đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách dạy truyền thống là đọc chép hoặc một tiết dạy chỉ sử dụng bằng bài giảng điện tử cho học sinh nhìn chép.
- Việc dạy học bằng Sơ đồ 5W1H giúp các em biết cách tự ghi chép đầy đủ nội dung bài học để học ở nhà và ghi nhớ lâu kiến thức bài học, đồng thời đã góp phần giúp giáo viên khắc phục được tình trạng “học vẹt”, học trước quên sau của học sinh.
- Tất cả học sinh đều phải động não, sáng tạo và chỉ trong một tờ giấy các em có thể trình bày nội dung của bài học. Mỗi học sinh hoặc nhóm học sinh tự khám phá và vẽ được sơ đồ theo ý tưởng hoàn chỉnh . 
- Bước đầu tạo một không khí sôi nổi, hào hứng của cả thầy và trò trong các hoạt động dạy học của nhà trường, góp phần tham gia phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mạnh triển khai.
- Tuy ở mức độ khác nhau nhưng hầu hết học sinh biết cách vẽ Sơ đồ 5W1H. Lúc đầu, các em vẽ chưa quen theo cách ghi ký tự ở từng nhánh, nhưng dần dần học sinh đã thực yêu cầu tốt hơn. 
- Bước đầu hình thành cho các em tư duy lô-gic khi học môn Lịch sử. Khi giáo viên yêu cầu trả lời một vấn đề nào đó, các em sẽ được định hướng bởi các câu hỏi tương ứng với các nội dung được hỏi. Thiết nghĩ , các em học sinh cũng có thể ứng dụng cách vẽ Sơ đồ tư duy 5W1H để phục vụ cho cách ghi nhớ kiến thức của một môn học khác, một vấn đề khác tương ứng.
- Điều quan trọng nhất là qua việc sử dụng Sơ đồ 5W1H trong dạy học Lịch sử lớp 6, đã từng bước giúp các em có cái nhìn “thiện cảm” với môn Lịch sử, yêu thích và “tự giác” học môn Lịch sử hơn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng học môn Lịch sử lớp 6 nói riêng và môn Lịch sử nói chung.
2. Bài học kinh nghiệm 
Môn lịch sử cũng như nhiều môn học khác đòi hỏi sự chăm chỉ trong quá trình dạy - học. Đầu tư thời gian và công sức để học là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành công không chỉ đối với trò mà cả với thầy. Người thầy phải chịu khó tự học, tự nghiên cứu để có thể áp dụng được những phương pháp mới, qua đó tìm ra những phương pháp, những kĩ thuật dạy học có tính ưu việt và phù hợp với học sinh của trường mình, của khối lớp mình phụ trách
Giáo viên phải nghiên cứu và chuẩn bị được 6 câu hỏi hợp lí tương ứng với mỗi dạng nội dung kiến thức để sau này khi nhắc đến dạng nôi dung kiến thức đó là trong đầu học sinh sẽ nghĩ ngay đến 6 câu hỏi thường học. Bên cạnh đó, để học sinh vẽ tốt các Sơ đồ, giáo viên phải có các câu hỏi gợi ý, gợi mở giúp cho học sinh.
Tùy vào dung lượng kiến thức của bài dài hay ngắn để giáo viên đưa ra phương án sử dụng Sơ đồ 5W1H cho hợp lí. Không phải lúc nào giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh vẽ ngay sơ đồ, trình bày sơ đồ trên lớp. Việc làm này sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung của bài học.
Tùy vào điều kiện cơ sở vật chất của trường và các điều kiện khác có liên quan, giáo viên có thể sử dụng dạng Sơ đồ 5W1H cho phù hợp. Giáo viên có thể thiết kế Sơ đồ 5W1H trên giấy khổ lớn hoặc trình bày trực tiếp trên bảng hoặc soạn giảng trên Powerpoint hoặc sử dụng máy chiếu đa vật thể hoặc cũng có thể thiết kế trên phần mềm Sơ đồ tư duy (với trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt).
3. Kiến nghị 
- Đối với GVBM, cần mạnh dạn đổi mới phương pháp, không ngừng nghiên cứu và tự học những phương pháp, kĩ thuật dạy học mới.
- Các tổ chuyên môn đẩy mạnh triển khai sinh hoạt chuyên đề về đổi mới phương pháp và sử dụng Sơ đồ tư duy nói chung và Kĩ thuật Sơ đồ 5W1H nói riêng
- Nhà trường tạo điều kiện hết sức và khuyến khích giáo viên đổi mới phương và chú trọng vào Sơ đồ tư duy nói chung và Sơ đồ 5W1H nói riêng .
- Sở GD-ĐT tăng cường triển khai chủ trương đổi mới dạy học và phổ biến những gương tốt về đổi mới phương pháp .
IV. KẾT LUẬN
Sử dụng thành thạo và hiệu quả Sơ đồ tư duy nói chung và Sơ đồ 5W1H nói riêng trong dạy học Lịch sử sẽ mang lại nhiều kết quả tốt và đáng khích lệ trong phương thức học tập của học sinh và phương pháp giảng dạy của giáo viên. 
Học sinh sẽ có học được phương pháp học tập đúng đắn, hiệu quả và tăng tính chủ động, sáng tạo, phát triển tư duy. Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng, và quan trọng nhất sẽ giúp học sinh nắm được kiến thức thông qua một “sơ đồ” thể hiện các liên kết chặt chẽ của tri thức.
Sử dụng Sơ đồ 5W1H trong dạy học lịch sử bước đầu tạo một không khí sôi nổi, hào hứng của cả thầy và trò trong các hoạt động dạy học của nhà trường, là một trong những nội dung quan trọng của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mạnh triển khai.
Việc vận dụng Sơ đồ 5W1H trong dạy học lịch sử ở trường THPT sẽ dần dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học. Sơ đồ 5W1H kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác như vấn đáp gợi mở, thuyết trình, xem phim minh họa có tính khả thi cao góp phần đổi mới phương pháp dạy học
 Sơ đồ 5W1H – là Kĩ thuật dạy học hiện đại có tính khả thi và hiệu quả cao, nhất là đối với môn Lịch sử trong các nhà trường hiện nay, đặc biệt đối với những trường còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất thiết bị như trường THCS Đặng Tấn Tài 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bản đồ Tư duy trong công việc – Tony Buzan – NXB Lao động – Xã hội
2. Lớp tập huấn của Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh thuận hướng dẫn sử dụng Phương pháp và Kĩ thuật dạy học tích cực
3. Dạy và học tích cực - một số phương pháp và kĩ thuật dạy học - NXB Đại học sư phạm
4. www.mind-map.com (trang web chính thức của Tony Buzan)
5.Kênh sơ đồ tư duy lịch sử: 

Tài liệu đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_su_dung_ki_thuat_tu_duy_5w1h_trong_day.doc